Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát vi-rút corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về những thay đổi diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3 và những điều mà chúng ta đã biết được.
Vào tháng 3, phần lớn những gì chúng ta biết về dịch bệnh này đều từ Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên. Vào cuối tháng 2, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính quyền Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của khoảng 56.000 ca nhiễm.
Họ biết được rằng tỷ lệ tử vong là 3,8%. Tỷ lệ tử vong đặc biệt cao ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc với 5,8%. Đây là nơi có số ca nhiễm cao nhất ghi nhận được tại thời điểm đó. Ở những nơi khác, tỷ lệ này là 0,7%.
Tỷ lệ tử vong ở những người từ 80 tuổi trở lên là 21,9%, đồng nghĩa cứ 5 người nhiễm vi-rút thì có một người chết.
Còn ở Nhật thì sao?
Vào tháng 9, Viện Quốc gia Các bệnh Truyền nhiễm đã phân tích dữ liệu về các ca nhiễm ở Nhật Bản và đưa ra tỷ lệ tử vong được điều chỉnh. Tỷ lệ trong thời gian 1 tháng cho đến cuối tháng 5 là 7,2%.
Do điều kiện khác nhau nên chúng ta không thể đơn giản so sánh các con số nhưng tỷ lệ này dường như cao hơn tỷ lệ ở Vũ Hán vào tháng 2.
Số liệu của Nhật Bản cho thấy bệnh nhân càng lớn tuổi thì tỷ lệ tử vong càng cao. Trong khi tỷ lệ này ở những người dưới 70 tuổi là 1,3%, còn ở những người từ 70 tuổi trở lên là 25,5%. Xu hướng này tương tự như phân tích mà WHO công bố vào tháng 2.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu ở Nhật Bản trong tháng 8 cho thấy tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều. Tỷ lệ chung là 0,9%, tỷ lệ ở những người dưới 70 tuổi là 0,2% và từ 70 tuổi trở lên là 8,1%.
Do đâu có sự sụt giảm lớn như vậy?
Các nhà nghiên cứu tại viện quốc gia cho rằng trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, các bác sĩ ưu tiên chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân nghiêm trọng, điều này đã đẩy tỷ lệ tử vong lên cao. Theo các nhà nghiên cứu, những người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng được phát hiện dương tính với vi-rút nhờ thành công trong việc mở rộng xét nghiệm PCR và các loại xét nghiệm khác, giúp giảm tỷ lệ tử vong.
Họ nói cho đến nay không thấy dấu hiệu nào cho thấy vi-rút ít khả năng gây tử vong hơn. Các chuyên gia tin rằng kết quả phân tích mới nhất cho chúng ta những con số đáng tin cậy nhất về tỷ lệ tử vong.
Các chuyên gia viện dẫn một lý do khác có thể khiến tỷ lệ tử vong ngày càng giảm, đó là các phương pháp điều trị đã được cải tiến. Hồi tháng 3, các bác sĩ tập trung vào việc điều trị viêm phổi và đối phó với Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).
Sau đó, họ phát hiện ra có hai yếu tố khác dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, đó là huyết khối và cơn bão cytokine.
Khi người bệnh nhiễm vi-rút corona, trong mạch máu của họ có xu hướng hình thành những huyết khối nhỏ. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến các cơ quan khác nhau và chặn dòng chảy của máu, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề khác.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của con người đôi khi mất kiểm soát và bắt đầu tấn công cơ thể chính mình khi nhiễm bệnh. Đây được gọi là bão cytokine.
Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bão cytokine mỗi khi có loại bệnh truyền nhiễm mới nào được báo cáo. Chuyên gia cho biết nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút corona và tử vong vì suy đa tạng có khả năng là nạn nhân của cơn bão cytokine.
Những gì chúng ta biết được kể từ tháng 3, bao gồm người nhiễm vi-rút có các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào, được các bác sĩ sử dụng để cho ra đời các phương pháp điều trị mới, có thể góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong.
(Thông tin được cập nhật đến giữa tháng 9).