Giá cà phê năm nay bị ảnh hưởng nhiều bởi nhu cầu từ ngành thực phẩm suy giảm trong thời gian khắp thế giới phong tỏa xã hội chống Covid-19. Thị trường này có sự thay đổi khi người tiêu dùng chuyển sang uống cà phê ở nhà thay vì đến nhà hàng, và điều đó đã ảnh hưởng tới nhu cầu một số loại cà phê pha chế.
Giá cà phê từ đầu năm đến nay đã biến động khá mạnh - trong phạm vi khoảng 40%. Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, và ngành sản xuất cũng như nhà đầu tư cần dự báo xu hướng thị trường sắp tới sẽ ra sao? Phân khúc nào trong ngành này sẽ thu hút được nhu cầu mạnh hơn từ người tiêu dùng?
Tại sao đầu tư vào cà phê?
Mặc dù cà phê không phổ biến như các mặt hàng khác như dầu thô và kim loại, nhưng đây là một trong những hàng hóa mềm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Cà phê nằm trong nhiều danh mục đầu tư, từ hàng hóa được mua vào để chống lạm phát cho tới hàng hóa được ưa chuộng khi USD sụt giảm. Xuất khẩu cà phê là ngành có trị giá tới 20 tỷ USD, cung cấp cho thế giới 2 tỷ tách cà phê mỗi ngày.
Giá cà phê thường bị tác động nhiều bởi những lo ngại về nguồn cung, khi đó có thể dẫn tới những biến động mạnh và tạo cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư. Cà phê được trồng ở hơn 50 quốc gia, nhưng sản xuất quy mô lớn chỉ tập trung ở một số quốc gia, nơi các biến động thời tiết và địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung. Thị trường cà phê cũng có thể chịu tác động bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tiêu thụ tăng ở một số nền kinh tế mới nổi thuộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ latinh khi các nền kinh tế đó phát triển, và ở các nước phát triển khi thu nhập khả dụng tăng lên.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cần thận trọng vì khi nguồn cung dồi dào, kinh tế suy thoái và đồng USD mạnh lên thì giá cà hê sẽ giảm.
Hợp đồng cà phê kỳ hạn tương lai tham chiếu cho Arabica toàn cầu là loại Arabica tiêu chuẩn C, niêm yết trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), thuộc sở hữu của Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME) và Sở giao dịch Liên lục địa (ICE). Cà phê hạt chiếm 75% sản lượng cà phê toàn cầu, chủ yếu được trồng ở Brazil và Colombia, trong đó riêng Brazil chiếm 40% tổng nguồn cung. 25% cà phê còn lại là loại Robusta, sản xuất chủ yếu ở Việt Nam và Indonesia. Hợp đồng Robusta giao dịch trên sàn ICE được dùng tham chiếu cho thị trường Robusta toàn cầu.
Arabica là loại cà phê cao cấp, có hương vị thơm nhẹ, ngọt hơn; trong khi Robusta có vị đắng, hàm lượng caffein cao hơn. Giá Robusta có xu hướng biến động nhiều hơn, do Robusta được sử dụng chủ yếu bởi các tập đoàn đa quốc gia lớn, và chủ yếu dùng pha trộn.
Sự thay đổi trong sản xuất dẫn đến biến động giá cà phê
Xu hướng giá cà phê giảm từ cuối năm 2016 cho đến năm 2019 do tình trạng sản xuất tăng vượt quá mức tiêu thụ ở Brazil và đồng real Brazil giảm mạnh so với USD. Thời điểm giá chạm 'đáy' là vào tháng 5/2019, khi đó giá arabica giảm xuống 0,87 US cent/lb, từ mức 'đỉnh' lịch sử vào năm 2011 là 3,06 USD/lb.
Sau khi Brazil đạt sản lượng cao kỷ lục trong niên vụ 2018/2019, sản lượng sụt giảm và nguồn cung bị thắt chặt. Sự kết hợp giữa sản lượng của Brazil giảm và đồng real Brazil mạnh lên đã làm thay đổi xu hướng trong thị trường này, khiến giá tăng vào nửa cuối năm 2019. Thị hiếu của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi, cà phê lạnh ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở Mỹ; tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc cũng tăng nhanh, nơi Starbucks đã mở hơn 600 cửa hàng vào năm 2019.
Giá cà phê bắt đầu giảm vào tháng 2/2020, khi Covid-19 buộc các nước phải đóng cửa thị trường, bắt đầu từ Trugn Quốc sau đó lan kháp thế giới, làm giảm nhu cầu cà phê ở các hàng quán. Người tiêu dùng chuyển sang uống cà phê tại nhà, khiến nhu cầu chủng loại chuyển từ Arabica sang Robusta - loại cà phê được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cà phê hòa tan.
Giá Arabica bước vào năm 2020 ở mức 1,26 USD/lb, giảm xuống 0,98 USD vào tháng 2/2020, sau đó tăng lên 1,3 USD/lb vào tháng 3/2020 và sau đó biến động mạnh để rồi lại quay đầu giảm xuốn 0,96 USD vào đầu tháng 6/2020.
Giá Arabica đã tăng trong suốt mùa Hè khi các nước dần nới lỏng những hạn chế chống Covid-19. Nhưng làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát kéo giá giảm xuống vào mùa Đông. Giá Arabica sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng vào ngày 3/11 đã đảo chiều tăng trở lại, tăng trên 10% lên 1,12 USD/lb. Xuất khẩu của Brazil tháng 10/2020 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, kèm theo đó là lo ngại về bão Eta đổ bộ vào Nicaragua và Honduras vào tuần đầu tiên của tháng 11, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng và đến cả việc giao thông vận tải.
Giá cà phê robusta cũng tăng do mưa lũ ở Việt Nam làm gián đoạn vụ thu hoạch. Tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô hiện giao dịch từ 33.700 34.200 đồng/kg, cao nhất trong năm nay. Tại cảng TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% có giá lên tới 1.541 USD/tấn (FOB).
Triển vọng giá cà phê từ nay đến cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ ra sao?
Giới đầu tư cà phê đang rất muốn biết liệu đà tăng giá gần đây có duy trì trong những tháng tới hay không.
Giá hàng hóa các loại đều tăng đột ngột vào ngày 9/11/2020, khi có thông tin một loại vắc-xin chống Covid-19 rất có tiềm năng với kết quả thử nghiệm thành công tới 90%. Vắc-xin có hiệu quả sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục, từ đó kéo nhu cầu cà phê tăng theo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo thị trường cà phê sẽ tiếp tục chịu áp lực do nhiều Chính hủ đưa ra các biện pháp phong tỏa lần nữa để ngăn chặn làn sóng đại dịch Covid-19 lây lan lần thứ 2.
Nhà phân tích Jack Scoville của công ty nghiên cứu Price Futures Group cho biết: "Nhu cầu từ các cửa hàng cà phê và các hoạt động dịch vụ ăn uống khác vẫn ở mức rất thấp do người tiêu dùng vẫn đang uống cà phê tại nhà. Các kết quả thăm dò cho thấy người tiêu dùng ở nhà đang tiêu thụ các loại cà phê pha trộn với nhiều Robusta hơn và ít Arabica hơn". Xu hướng như vậy cho thấy giá Robusta trong những tháng tới sẽ khả quan hơn so với Arabica.
Các nhà phân tích của ngân hàng Hà Lan ABN Amro cũng đưa ra dự báo giá cà phê của riêng họ: "Thời tiết khô hạn ở Brazil là mối lo ngại đối với thị trường cà phê. Rất có thể sản lượng của Brazil trong niên vụ 2021 sẽ giảm. Tiêu thụ cà phê ở hàng quán giảm sút do đại dịch Covid-19. Áp lực này sẽ tiếp tục với các biện pháp kiểm dịch mới trên toàn cầu. Giá sẽ vẫn tương đối yếu. "
Amro dự báo giá Arabica trung bình là 1,09 USD/lb trong tháng 12, giảm xuống 1,07 USD vào quý I/2021 và trung bình 1,09 USD trong năm 2021.
Fitch Solutions dự báo giá cà phê Arabica trung bình là 1,05 USD/lb trong năm 2021 và 2022, nhưng sẽ giảm xuống trung bình 1,10 USD/lb vào năm 2020. Citibank hạ dự báo giá Arabica trong 3 tháng tới xuống 1,07 USD/lb và vẫn ở mức "ổn định hoặc giảm do dư cung trong niên vụ 2020/21 lên tới 4,3 triệu bao".
Tương tự, nhà dự báo kỹ thuật WalletInvestor.com dự đoán giá cà phê arabica tham chiếu sẽ giảm từ 1,08 USD/lb của tháng 12/2020 xuống 1 USD vào tháng 12/2021. - Theo Nhịp sống kinh tế