1. Hội gò Đống Đa (Hà Nội) - Mùng 5 Âm lịch
Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Ðây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.
Lê Hội Gò Đống Đa.2. Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội)- Từ mùng 6 đến 16 Âm lịch
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.
Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo...
Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
3. Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) Từ mùng 6 đến hết tháng 3 Âm lịch
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng Giêng là khai hội, thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam.
Giá vé tham quan chùa Hương là 50.000 đồng/khách và vé đò dọc suối Yến từ 35 40.000 đồng/khách. Tham quan chùa Hương du khách không chỉ cầu bình an, may mắn cho một năm mới, mà còn được ngồi trên thuyền vãn cảnh sông núi thanh bình nơi đây.
Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn
4. Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) Mùng 4 Âm lịch
Lễ hội chùa Keo được tổ chức tại Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lễ hội được tổ chức trong hai kì một năm: Hội xuân từ ngày 4 Tết Nguyên đán.
Chùa Keo được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam với gác chuông là công trình kiến trúc được làm hoàn toàn bằng gỗ, như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình.
Hội chùa Keo thờ thiền sư Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. Mỗi khi lễ hội diễn ra đã thu hút du khách thập phương ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng đến du xuân, cầu may mắn.
Trong khi diễn ra lễ hội còn kèm theo các trò chơi dân gian truyền thống, giải trí gắn liền với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.
5. Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Khai hội mùng 6
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, khai hội vào ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Điều đặc biệt ở kiến trúc chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái.
Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm...
Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.
Hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.
6. Hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) Mùng 6 - 8 Âm lịch
Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Bên cạnh những nghi lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
7. Hội đền Hùng (Phú Thọ) Từ mùng 9 - 13/3 Âm lịch
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương khai mạc từ ngày 9 đến 13 tháng 3, chính hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta.
Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng" của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc.
Người dân hành hương về đất Tổ trong tâm khảm đều có niềm tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng.
8. Hội chợ Viềng (Nam Định) Mùng 8 Âm lịch
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Tại hội chợ Viềng chủ yếu bán các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông như cái cày, cái cuốc, quang gánh hay những vật dụng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, giày dép, gạo, thịt
Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thế kỷ 19 cách đây hàng trăm năm.
Hàng năm hội chờ Viềng thu hút hàng trăm du khách thập phương và địa phương đi dự hội chợ Viềng và đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân.
9. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) Từ 10/1 đến hết 3 Âm lịch
Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân tại núi Yên Tử, xã Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian, tưng bừng, nhộn nhịp.
Bên cạnh đó là hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.
10. Hội Lim (Bắc Ninh) Ngày 13 Âm lịch
Hội Lim là một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Trong ngày này, các Liền chị có cơ hội được giao lưu hát giao duyên, thể hiện giọng ca quan họ truyền thống ở Bắc Ninh như là hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Đấu vật, đấu võ, đầu cơ, nấu cơm, dệt cửi, đánh đu
11. Lễ hội đền Trần (Nam Định) Từ ngày 13 - 15 Âm lịch
Hội đền Trần bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm) ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.
Nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp.
Ở cả 3 đền trong đền Trần, gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.
12. Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh) Từ ngày 14 đến hết tháng Giêng Âm lịch
Lễ hội diễn ra ở Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội khai mạc vào ngày 4 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng.
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cổ Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.
Lễ hội Bà chúa Kho có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) để cầu tài cầu lộc. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho từ lâu đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Việt Nam.