Gặp những người ngồi đếm cuộc đời
Họ - những tử tù những người phải trả giá đắt nhất cho tội lỗi đã gây ra. Gặp tôi, người thẫn thờ, lạc lối, người chán nản, tuyệt vọng, người thì cố níu vớt hi vọng về cơ hội cuối cùng để được sống. Lúc đó, họ mới nhận ra, sau tội lỗi, sau những việc làm bất chấp vì tiền của họ thì gia đình, bố mẹ già, con cái bé dại mới là những người đau khổ nhất.
- Những phạm nhân đặc biệt và cái kết bất ngờ
1. Một trong những tử tù gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là Phùng Quỳnh Trang, SN 1988, ở Quỹ Nhất, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nếu nói về tội ác mà Trang gây ra thì có lẽ cả những tay sát thủ khét tiếng nhất chưa chắc đã dám làm. Cô gái 20 tuổi này đã tẩm xăng lên người bạn của cô ta để thiêu sống chỉ vì nghi cô bạn này gài bẫy cướp ma tuý của mình.
Cụ thể, 23/2/2008, Trang nhờ Nguyễn Thị V.A, sinh viên 1 trường cao đẳng ở Hà Nội bán hộ 2.000 viên thuốc lắc và được V. A nhận lời. Chiều cùng ngày, bạn trai của Trang là Nguyễn Trọng Hiếu, 25 tuổi, trú tại phường Niệm Nghĩa (Lê Chân, Hải Phòng) lái xe chở Trang đến thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đón V.A. Tại đây, V.A đã dẫn Trang và Hiếu đến một địa điểm gặp 3 thanh niên để bán thuốc. Nhưng khi đến nơi, bọn Trang và Hiếu bị 3 thanh niên kia cướp 1.900 viên thuốc lắc và đánh Hiếu đến ngất.
Nghĩ là V.A đã "cài" đồng bọn cướp hàng của mình, 4 ngày sau Trang đã rủ Trần Đức Thuỷ, Khúc Ngọc Hiệp và Nguyễn Trọng Hiếu lên Hà Nội tìm bắt V.A để tra khảo. Cả bọn nói dối là đi đón bạn ở sân bay, rủ V.A đi cùng. Tưởng thật, V.A đi theo, không ngờ bị Trang chỉ đạo Hiếu, Thuỷ, Hiệp mang ra cánh đồng ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh tra tấn, sau đó tẩm xăng thiêu sống nạn nhân.
Sau 20 ngày lẩn trốn, Trang và đồng bọn bị tóm gọn. Biết hoàn cảnh của Trang, Trung tá Nguyễn Thanh Phú, thời điểm đó đang là Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, cũng là điều tra viên chính của vụ án đã động viên, đả thông tư tưởng, phân tích đúng sai để Trang dần hiểu được vấn đề, khai báo rất thành khẩn về hành vi phạm tội của mình. Khi tư tưởng đã thoải mái, Trang đã trải lòng, kể hết như muốn trút vơi đi những nhọc nhằn, đắng cay và thiếu thốn của một cô gái còn trẻ nhưng đã sớm bị số phận chối bỏ.
Khi gặp tôi, nữ sát thủ tuổi 20 vẫn chỉ ăn năn, day dứt duy nhất một điều, đó là cô ta không thể bao bọc, dạy dỗ được đứa em gái nên người bởi chị em Trang là những đứa trẻ mồ côi. Từ nhỏ chị em Trang phải chia lìa, Trang ở với bà và bác ruột ở Nghĩa Hưng, Nam Định, còn Thương em Trang làm con nuôi bà dì họ ở Thái Bình. Do không có người dạy dỗ nên Trang sớm theo bạn bè xấu lang bạt ra tận Hải Phòng rồi lao vào con đường ma tuý. Vốn bản tính lỳ lợm nên dù ít tuổi, Trang đã sớm giành được vai trò bà trùm trong đường dây ma tuý do cô ta thiết lập. Cũng chính vì ma tuý, Trang đã cùng đồng bọn nhẫn tâm cướp đi mạng sống của nữ sinh viên V.A.
Dù ra tay tàn độc như vậy, nhưng khi nói chuyện với Trang, tôi nhận ra rằng, cô ta vẫn còn tính trẻ con, sự vô tư của cô con gái mới lớn. Trang có thể chợt khóc khi nhớ em gái nhưng khi hỏi đến bạn trai, hỏi đến những ước mơ thì Trang lại vui vẻ ngay. Cô ta hỏi chúng tôi những câu hỏi hết sức tự nhiên, vô tư về cuộc sống, về những bộ phim mà Trang từng được xem qua truyền hình, về những chỗ ăn uống ở Hà Nội. Dù Trang đã hình dung được bản án cao nhất đang chờ nhưng không như những người khác, Trang chờ đợi và đón nhận bản án đó với thái độ khá bình thản.
Biết Trang thiệt thòi từ bé, không có sự quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ nên Trung tá Nguyễn Thanh Phú luôn quan tâm, hỏi han, thi thoảng mua cho Trang những món quà nhỏ, từ con gấu bông Trang thích đến bàn chải, kem đánh răng đúng loại Trang muốn, thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ theo đề nghị của Trang Từ sự quan tâm đó, cho đến khi đi thi hành án, Trang vẫn luôn tôn trọng, yêu quý, coi các cán bộ, đặc biệt là bác Phú như người thân của mình.
2. Khác với Trang, tử tù Vũ Quốc Việt, nguyên cán bộ Cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố làm Giám đốc một Sở ở Yên Bái, mẹ là cán bộ Tòa án, kinh tế khá giả. Việt là con thứ hai trong gia đình, vốn học giỏi, tốt nghiệp trường Luật, ra trường làm ở TAND huyện Yên Bình (Yên Bái). Sau đó, Việt chuyển về làm ở Cơ quan Thi hành án Lai Châu. Lúc đó, đứa em con cô ruột là Nguyễn Hồng Quân cũng đã tốt nghiệp cao đẳng tin học, chưa có việc làm ổn định nên Việt đã đưa Quân sang Lai Châu xin việc cho.
Nhận công tác tại cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu mới được hơn 2 tháng thì Việt phát hiện cơ quan kiểm kê ma túy là tang vật của các vụ án đã có hiệu lực thi hành để hôm sau tiêu hủy. Biết số lượng ma túy rất lớn, có giá trị cao, có thể mua được chiếc ôtô mà mình hằng mong ước nên Việt đã lấy trộm hơn 10kg ma tuý, đưa cho Quân cất giấu. Không ngờ, sự việc bại lộ, cả Việt và Quân đều bị kết án tử hình.
Lúc chúng tôi gặp Việt, anh ta đã ăn 3 cái Tết trong Trại giam, có quá đủ thời gian suy nghĩ về hành vi phạm tội của mình. Hối hận, tiếc nuối về phút nông nổi tội lỗi, Việt chỉ mong rằng, không còn ai vì tham lam mà đánh mất tự do của chính bản thân mình như anh ta nữa. Việt kể rằng, sau khi anh ta bị tuyên án, bố mẹ anh ta rất suy sụp, họ đã phải bán nhà ở TP Yên Bái để lên tận Mù Căng Chải sống với người con trai út. Hằng ngày, mẹ Việt phải bán rau ở chợ vừa để khuây khỏa nỗi buồn, vừa có tiền để thăm nuôi con trai.
Việt kể, thực sự ai cũng muốn mình được sống, nhất là những người đang đối diện cái chết như anh ta. Nhưng, bản thân từng tốt nghiệp Đại học Luật, từng công tác ở Tòa án, cơ quan thi hành án nên anh ta cũng hiểu cái giá phải trả của mình. Điều mà Việt tiếc và ân hận nhất không chỉ là tự đánh mất cuộc sống của mình mà còn lôi kéo đứa em họ vào con đường chết. Việt bảo, giá như tôi không mờ mắt vì lòng tham thì đâu đến nỗi bản thân và Quân phải vào tội chết.
3. Nữ tử tù xinh đẹp nhất tôi từng gặp là Trần Thị Thùy, SN 1990, quê ở huyện Kim Môn (Hải Dương). Thùy có mái tóc đen, làn da trắng, quần áo sạch sẽ, nói chuyện rất có duyên. Thùy không có chồng, có một con gái hiện cư trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Thùy có tiền án về tội mua bán ma tuý nhưng không tu tỉnh nên khi có đối tượng thuê vận chuyển 32 bánh heroin từ Hoà Bình về Lạng Sơn, cô ta đã nhận lời. Không ngờ, khi đi đến địa bàn xã Quang Thịnh (Lạng Giang) thì bị Công an huyện Lạng Giang, Bắc Giang bắt, thu giữ 32 bánh heroin, bị Toà án tuyên tử hình.
Tôi hỏi Thùy muốn nhắn gì cho con không, Thùy cúi mặt, mắt ngấn lệ Thùy nói như nói thầm: Mẹ em già lắm rồi, không biết chết lúc nào, nuôi con em được ngày nào biết ngày đó. Cuộc đời em vậy là sai rồi, không cứu vãn được nữa, giờ có ân hận cũng không thể làm lại. Vào đây em mới thấy dù khổ mấy, đói mấy mà được sống tự do vẫn hơn
Cánh cửa buồng giam khép lại, dáng đi thất thểu của tử tù khiến chúng tôi buồn man mác. Nếu 1 lần trong đời, ai đó được đến thăm buồng giam tử tù, trực tiếp chứng kiến cuộc sống bên trong 2 mét vuông với chiếc còng sắt dài xuyên từ phòng nọ sang phòng kia, chỉ có 1 lỗ thông hơi duy nhất chừng vài chục cm2, tôi chắc chắn rằng, không một ai dám phạm tội, nhất là những tội tày đình.
Trong cuộc sống, không chỉ những kẻ thiếu hiểu biết pháp luật mới ham làm giàu bất chính mà kể cả những người từng cầm cân nảy mực, từng bảo vệ pháp luật thì việc phải chiến thắng chính mình cũng thật khó. Mong rằng, đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả mọi người, đừng vì những tham vọng nhất thời mà trả giá đắt cả cuộc đời
- Hành trình trở về nẻo thiện của một tử tù
- Chuyện một tử tù và cái kết có hậu