/*! Ads Here */

Cách thuyết trình tự tin

Những nhà diễn thuyết chuyên nghiệp vẫn có lúc lo lắng về tính hiệu quả trong phần trình bày của họ. May mắn thay, việc cải thiện kỹ năng nói trước đám đông rất đơn giản! Để tự tin nói trước đám đông, bạn cần chuẩn bị nội dung phù hợp với người nghe. Tiếp theo, bạn nên dành thời gian tập luyện trước khi trình bày. Cuối cùng, hãy kết nối với khán giả, phát âm tròn vành rõ chữ và sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong khi thuyết trình.

Phần 1 của 3:
Chuẩn bị nội dung

  1. 1
    Tìm hiểu đối tượng khán giả. Bạn sẽ cần biết số lượng người tham gia, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và địa vị xã hội của họ. Ngoài ra, việc tìm hiểu mức độ hiểu biết của họ đối với chủ đề mà bạn sắp trình bày cũng rất quan trọng. Cuối cùng, hãy thử suy ngẫm về hình ảnh của bạn trong mắt khán giả và điều mà họ mong đợi nhận được từ phần trình bày của bạn.[1]
    • Ví dụ, bạn sẽ thuyết trình trước những người chưa hề biết gì về chủ đề của mình hay bạn sẽ diễn thuyết tại sự kiện chuyên môn, nơi mà khán giả có sẵn nền tảng kiến thức? Bạn cần điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với nhu cầu của khán giả. Chắc hẳn bạn không muốn nói những điều khó hiểu, nhưng bạn cũng cần tránh cung cấp thông tin mà khán giả đã biết.
    • Tương tự như vậy, phần trình bày của bạn phải được điều chỉnh theo cách khán giả nhìn nhận bạn. Nếu họ xem bạn là chuyên gia trong chủ đề mà bạn trình bày, phần thuyết trình của bạn nên có chiều sâu kiến thức và uy tín.
  2. 2
    Xác định giọng điệu thích hợp cho phần trình bày. Bạn có thể xem giọng điệu như là phần hồn của bài thuyết trình. Đây là yếu tố được tạo nên bởi khán giả, sự kiện, chủ đề và mục đích của bài phát biểu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc tính cách của mình để chọn giọng điệu tự nhiên phù hợp với bản thân.[2]
    • Nếu chủ đề của bạn mang tính nghiêm túc, bạn nên dùng giọng nghiêm nghị. Hoặc, bạn sẽ chọn giọng hài hước cho phần phát biểu tại bữa tiệc liên hoan.
    • Nhìn chung, bạn có thể dùng giọng điệu như khi trò chuyện cho mọi phần trình bày, bất kể đó là chủ đề gì và có bao nhiêu khán giả. Điều quan trọng nhất vẫn là thể hiện bản sắc riêng của bạn!
    • Lưu ý rằng bạn không cần dùng một giọng điệu cho cả bài phát biểu. Ví dụ, bạn sẽ bắt đầu phát biểu bằng giọng nghiêm túc nhưng kết thúc bằng một đoạn tương tác hài hước. Trong trường hợp này, bạn cần điều chỉnh giọng điệu theo tiến trình của bài thuyết trình.
  3. 3
    Nghiên cứu thêm nếu cần. Nếu bạn có kiến thức chuyên môn đối với chủ đề của mình, có lẽ bạn sẽ thuyết trình bằng kiến thức có sẵn trong đầu hoặc vài ghi chú cá nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu là việc hết sức quan trọng khi bạn có lỗ hổng kiến thức nào đó. Hãy nhớ rằng khán giả sẽ chú ý những lỗ hổng đó và đặt câu hỏi. Ngoài ra, khán giả cũng đánh giá cao các số liệu và thông tin thực tiễn mà bạn đưa ra để làm rõ quan điểm của mình.[3]
    • Nếu am hiểu chủ đề của mình, bạn nên viết nội dung bài phát biểu trước khi nghiên cứu. Như vậy, bạn sẽ không mất thời gian xem lại thông tin đã biết. Ví dụ, một nhà sinh học có thể trình bày chủ đề phân chia tế bào mà không cần nghiên cứu thêm. Tương tự như vậy, bạn có thể soạn nội dung phát biểu trong tiệc kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ mà không cần phải nghiên cứu.
    • Ngược lại, nếu không biết nhiều về chủ đề của mình, bạn nên nghiên cứu trước khi soạn nội dung bài phát biểu. Ví dụ, nếu bạn trình bày về địa danh nào đó, hãy tìm hiểu bối cảnh lịch sử và thông tin quan trọng liên quan đến địa danh đó trước khi lên ý tưởng trình bày.
  4. 4
    Lập dàn ý cho phần thuyết trình. Nhiều người cảm thấy việc lập dàn ý giúp họ sắp xếp suy nghĩ và tạo ra phần phát biểu mạch lạc. Trước tiên, bạn sẽ viết luận đề, mục tiêu hoặc cảm nghĩ ở đầu trang. Tiếp theo, viết những điểm dẫn chứng chính. Cuối cùng, viết phần kết luận mà bạn muốn truyền tải đến khán giả.
    • Trình bày 3-5 điểm chính trong bài thuyết trình. Tránh cung cấp quá nhiều thông tin khiến người nghe quá tải.
    • Sau khi lập dàn ý chung, bạn có thể ghi chú thêm những gì mình muốn nói dưới mỗi điểm chính.
    • Bạn không cần viết câu đầy đủ. Hãy viết những từ khóa giúp bạn nhớ nội dung cần nói.
    • Sau đây là luận đề gợi ý dành cho bài phát biểu: Trong buổi triển lãm mới này, tiểu sử và đam mê màu sắc của người nghệ sĩ sẽ được kết hợp để tái tạo một thế giới mà người xem gần như có thể chạm vào.
  5. 5
    Soạn lời dẫn để thu hút sự chú ý của khán giả. Lời dẫn là câu hoặc mệnh đề góp phần lôi cuốn người nghe. Trong nhiều trường hợp, lời dẫn cho khán giả biết nhận định của bạn đối với nội dung trình bày. Hoặc, đó cũng có thể là câu hỏi mà bạn sẽ trả lời trong phần thuyết trình. Điều quan trọng là bạn đưa ra lý do thuyết phục khán giả lắng nghe.[4]
    • Tốt hơn hết, lời dẫn nên xuất hiện trong 30 giây đầu của bài phát biểu.[5]
    • Ví dụ, Cũng như bạn, tôi đã từng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. Bây giờ thì khối lượng công việc mà tôi hoàn thành trong một ngày nhiều hơn những gì tôi đã làm trong cả tuần, hoặc Khi bắt đầu nghiên cứu, tôi đã tự hỏi bản thân làm thế nào để đạt được những điều không thể?
  6. 6
    Thêm vài câu chuyện hoặc câu nói đùa. Mặc dù khán giả muốn nghe phần thuyết trình của bạn, nhưng con người thường dễ mất tập trung. Những câu chuyện, đặc biệt là chuyện cá nhân và câu nói đùa thường thu thú sự chú ý và làm cho phần trình bày của bạn trở nên thú vị hơn. Ngoài ra, đây là cách giúp cho khán giả đồng cảm với bạn. Tuy nhiên, bạn không nên nói những điều khiêu khích hoặc không phù hợp.
    • Khán giả thích nghe những câu chuyện cá nhân! Đây là một trong những phần nội dung tạo nên tính tương tác và thu hút sự chú ý của khán giả.[6]
    • Ví dụ, bạn có thể bắt đầu trình bày phần nghiên cứu khoa học của mình bằng cách kể lại tai nạn trong ngày đầu tiên ở phòng thí nghiệm.
    • Hoặc, bạn sẽ thêm một câu hài hước về việc họp hành trong buổi tập huấn ở công ty.
  7. 7
    Đoán trước các câu hỏi của khán giả. Nếu dự đoán được những gì khán giả sẽ hỏi, bạn có thể cung cấp các câu trả lời trong phần trình bày của mình. Đây là cách đảm bảo khán giả nhận được những gì họ muốn từ bài thuyết trình. Bên cạnh đó, bạn cũng không ngỡ ngàng trong phần trả lời câu hỏi của khán giả.
    • Xem xét đối tượng khán giả một lần nữa. Họ mong muốn điều gì từ bài thuyết trình của bạn? Mức độ hiểu biết của họ ra sao? Hãy dùng thông tin này để dự đoán các câu hỏi của khán giả.
  8. 8
    Chuẩn bị nội dung thuyết trình như giấy ghi chú. Mặc dù bạn không muốn đọc phần thuyết trình một cách tẻ nhạt, nhưng việc chuẩn bị ghi chú có thể giúp bạn nhớ và tránh bỏ sót nội dung. Tốt nhất bạn nên viết các điểm chính để có thể liếc nhìn nội dung khi cần.[7]
    • Bạn cũng có thể viết vài từ khóa để nhớ ý tưởng quan trọng mà bạn không thể bỏ sót.
    • Đừng viết câu hoàn chỉnh vì việc này thường khiến bạn bối rối. Hãy viết những từ khóa.
    • Giấy ghi chú giúp ích cho việc thuyết trình, nhưng nhiều người thích in dàn ý ra giấy.
  9. 9
    Linh hoạt. Lên kế hoạch là việc có ích, nhưng bạn không thể đoán trước mọi khả năng. Đừng để sự thay đổi vào phút cuối khiến bạn mất tự tin. Bạn không cần phải trình bày chính xác phần nội dung đã chuẩn bị sẵn.
    • Ví dụ, có thể bạn đã chuẩn bị bài thuyết trình cho một nhóm chuyên gia, nhưng đến buổi tối trước ngày thuyết trình, bạn nhận ra khán giả có mức hiểu biết thấp hơn những gì mình nghĩ. Trong trường hợp này, bạn sẽ cắt giảm nội dung đã chuẩn bị sẵn và cung cấp phần giải thích để những người không có kiến thức chuyên môn có thể hiểu.

Phần 2 của 3:
Tập thuyết trình

  1. 1
    Tập trình bày trước gương. Việc bạn cảm thấy lo lắng trước khi thuyết trình là hoàn toàn bình thường, kể cả khi bạn đã quen với hoạt động này. Bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng việc tập dượt trước khi thuyết trình. Hãy trình bày nội dung của bạn một cách dõng dạc khi đứng trước gương. Như vậy, bạn có thể quan sát bản thân để điều chỉnh tư thế, cử chỉ và điệu bộ khi thuyết trình.[8]
  2. 2
    Quay phim phần thuyết trình của bạn. Quay phim thậm chí còn hữu ích hơn việc tập luyện trước gương vì bạn có thể quan sát bản thân ở vai trò khán giả! Khi xem video, hãy xem bạn như là khán giả. Bạn sẽ ghi chú những điểm mà mình thích trong phần trình bày và phần nào cần được thay đổi.[9]
    • Có lẽ bạn phải quay nhiều đoạn phim nếu muốn cải thiện nhiều thứ.
    • Hoặc, bạn có thể nhờ một người bạn xem phần tập luyện và cho nhận xét.[10]
  3. 3
    Tính thời gian trình bày. Phần thuyết trình của bạn thường có giới hạn thời gian, do đó bạn cần đảm bảo nội dung trình bày được gói gọn trong khoảng thời gian đó. Tương tự như vậy, chắc hẳn bạn không muốn kết thúc buổi thuyết trình quá sớm. May mắn thay, tập luyện là cách giúp bạn đảm bảo phần thuyết trình vừa vặn với giới hạn thời gian. Hãy dùng chức năng bấm giờ trên điện thoại, đồng hồ hoặc máy bấm giờ để tính thời gian thuyết trình và thực hiện một số thay đổi nếu cần.
    • Tốt nhất bạn nên tập dượt nhiều lần trước khi bắt đầu tính giờ để có phần trình bày trôi chảy. Ban đầu, có thể bạn sẽ mất vài giây ở phần nào đó để nhớ lại những gì mình muốn nói.
  4. 4
    Ghi nhớ những điểm chính. Như vậy, việc trình bày sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn cũng không bỏ sót nội dung.[11]
    • Đừng cố gắng nhớ cả bài thuyết trình. Việc này không chỉ khó mà còn khiến bạn trình bày thiếu tự nhiên. Khi nhớ những điểm chính, bạn sẽ nói một cách mạch lạc.
  5. 5
    Tập luyện cùng nội dung nghe nhìn (nếu có). Nội dung nghe nhìn như PowerPoint, hình ảnh, video thuyết trình có thể hỗ trợ cho phần trình bày của bạn, nhưng cũng khiến bạn mất tập trung nếu gặp sự cố. Hãy kết hợp nội dung này vào phần tập luyện để bạn quen với việc chuyển đổi nội dung.
    • Tập thuyết trình với nội dung nghe nhìn sao cho bạn không đọc từng chữ trên đó vì khán giả không thích điều này.
    • Sự cố kỹ thuật có thể xảy ra khiến bạn không thể mở PowerPoint hoặc Prezi. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có thể thuyết trình mà không dùng đến phần nội dung này, nếu cần thiết.

Phần 3 của 3:
Thuyết trình

  1. 1
    Làm quen với khán giả trước khi bạn thuyết trình. Đây là cơ hội để bạn dự đoán phản ứng của khán giả và điều chỉnh phần trình bày của mình, chẳng hạn như bỏ bớt một câu chuyện đùa. Ngoài ra, bạn cũng sẽ phần nào biết được khán giả mong đợi điều gì từ phần trình bày của mình. Cuối cùng, khán giả cũng có cái nhìn khác về bạn và có thiện cảm với bạn.[12]
    • Đứng ở cửa và chào đón mọi người.
    • Giới thiệu bản thân với khán giả trong khi họ tìm chỗ ngồi.
    • Nếu bạn ngồi cùng khán giả trước khi thuyết trình, hãy trò chuyện với mọi người.
  2. 2
    Xem lại các ghi chú của bạn trước khi trình bày. Hãy lướt qua các ghi chú một hoặc hai lần trong ngày thuyết trình. Đây là cách ôn lại nội dung để tránh quên thông tin.
    • Đừng căng thẳng! Hãy tin rằng bạn nhớ những gì mình cần nói.
  3. 3
    Phát âm tròn vành rõ chữ. Hãy nói bằng giọng từ tốn, mạch lạc và dành thời gian phát âm rõ từng chữ. Sẽ có lúc bạn cảm thấy như mình đang nói rất chậm, nhưng việc này thật sự sẽ giúp cho khán giả theo dõi nội dung của bạn một cách dễ dàng.
    • Hít thở sâu trong khi thuyết trình là một cách hữu ích giúp bạn không nói quá nhanh.
  4. 4
    Dùng ngôn ngữ cơ thể để nhấn mạnh quan điểm của bạn. Đó có thể là động tác tay có chủ ý và cách bạn di chuyển trên sân khấu. Ví dụ, bạn sẽ dùng các ngón tay để giới thiệu quan điểm mà bạn sắp trình bày, hoặc hạ tay xuống để nhấn mạnh điểm nào đó. Hãy dùng cử chỉ quen thuộc với bạn vì việc gượng ép sẽ khiến bạn trông giả tạo.[13]
    • Tuy nhiên, bạn cần tránh cử chỉ hồi hộp. Các động tác của bạn nên được thực hiện một cách có ý thức thay vì bắt nguồn từ cảm giác lo lắng.[14]
  5. 5
    Điều chỉnh theo phản ứng của khán giả. Đôi khi khán giả sẽ phản ứng khác với những gì bạn nghĩ và điều đó hoàn toàn bình thường. Ví dụ, họ không thích thú với nội dung hài hước của bạn. Nếu điều đó xảy ra, hãy điều chỉnh một phần giọng điệu và cách trình bày sao cho phù hợp với phản ứng của họ.[15]
    • Ví dụ, nếu khán giả cười to trước câu chuyện đùa của bạn, hãy chờ căn phòng yên lặng trước khi tiếp tục. Nếu họ không cười to mà chỉ mỉm cười hoặc gật gù, bạn không cần cắt bỏ câu chuyện đùa. Nhóm đông người thường có phản ứng mạnh mẽ hơn nhóm nhỏ vì con người ít ngượng ngùng hơn khi ở trong nhóm đông người.
    • Nếu khán giả có vẻ bối rối, bạn sẽ lên giọng và giải thích thêm.
  6. 6
    Chỉ dùng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn khi cần.Phương tiện nghe nhìn không cần thiết có thể khiến khán giả mất tập trung. Điều này khiến họ không chú ý đến phần trình bày của bạn.[16]
    • Đừng chỉ đọc từng từ trên nội dung nghe nhìn mà bạn đã chuẩn bị vì khán giả không thích nghe đọc.[17]
    • Bạn có thể dùng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn để tăng thêm phần thú vị cho phần thuyết trình. Ví dụ, bạn sẽ thêm một đoạn video ngắn về những khám phá mới nhất trong lĩnh vực của mình.[18]
  7. 7
    Tương tác với khán giả. Đây là một trong những cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của khán giả. Việc này cũng giúp họ nhớ nội dung của bạn lâu hơn. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách đặt câu hỏi cho họ hoặc khuyến khích họ đặt câu hỏi cho bạn.[19]
    • Nhờ khán giả lặp lại những mệnh đề chính.
    • Bạn cũng có thể yêu cầu khán giả tạo một âm thanh hoặc động tác vào thời điểm nào đó trong buổi thuyết trình.
    • Khuyến khích khán giả cho ví dụ hoặc gợi ý.
    • Trả lời câu hỏi của khán giả.
  8. 8
    Luôn là chính mình. Mặc dù bạn thường muốn thể hiện phần tính cách khác biệt nào đó, nhưng đừng trở thành một người khác. Khán giả đến để xem bạn! Hãy tự tin thể hiện dấu ấn cá nhân trong bài thuyết trình của bạn. Bạn vẫn có thể thuyết trình một cách chuyên nghiệp và luôn là chính mình.[20]
    • Ví dụ, nếu bạn là người sôi nổi và năng nổ trong cuộc sống, hãy thể hiện điều đó khi bạn thuyết trình. Tuy nhiên, đừng cố ép bản thân hành động theo cách thiếu tự nhiên.
  9. 9
    Trấn an bản thân khi bạn cảm thấy lo lắng. Hồi hộp trước khi thuyết trình là cảm giác rất bình thường, nên bạn không cần gây áp lực cho bản thân. Nếu bạn lo lắng, hãy thử một vài cách sau để giữ bình tĩnh:[21]
    • Tưởng tượng phần thuyết trình của bạn diễn ra tốt đẹp.
    • Tập trung vào mục tiêu của phần thuyết trình thay vì cảm giác hồi hộp.
    • Hít thở sâu để giữ bình tĩnh.
    • Chạy tại chỗ hoặc đung đưa tay trên đầu để giải tỏa cảm giác lo lắng.
    • Hạn chế thức uống có cồn trước khi thuyết trình.

Lời khuyên

  • Đừng để cảm giác hồi hộp hoặc lo lắng hạ thấp sự tự tin của bạn. Hãy trân trọng điều đó bằng cách chuyển hóa thành sự phấn khởi và nhiệt huyết.
  • Hãy nhớ rằng không ai biết rõ nội dung thuyết trình hơn bạn.
  • Sau mỗi phần thuyết trình, kỹ năng nói trước đám đông của bạn sẽ dần cải thiện. Đừng bỏ cuộc nếu bạn không thể hiện tốt trong vài buổi thuyết trình đầu tiên.
  • Khán giả đến để nghe bạn nói, nên họ quan tâm đến nội dung của bạn. Hãy tận hưởng cảm giác được nhiều người chú ý!
  • Thay vì xem việc nói trước đám đông là một nhiệm vụ, bạn nên xem đây là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ một phần của bản thân với thế giới.
  • Đứng thẳng để tăng sự tự tin.

Video liên quan

*

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn

Responsive Ad

/*! Ads Here */

Billboard Ad

/*! Ads Here */