/*! Ads Here */

Bảng so sánh phong trào cách mạng 1930 -- 1931 với phong trào cách mạng 1936 1939

Khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp nông dân và công nhân làm cho đế quốc Pháp vô cùng lúng túng và bị động (Ảnh tư liệu)

Dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, với chính sách văn hóa nô dịch, giáo dục trở thành một công cụ cai trị của chính quyền thực dân. Chính quyền thuộc địa rất hạn chế phát triển giáo dục cả về quy mô và trình độ, trường học chỉ được phép mở ở mức độ hạn chế nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị và thực hiện chính sách khai thác thuộc địa. Nhưng ngoài ý muốn của chính quyền thực dân, cùng với quá trình mở rộng khai thác thuộc địa là sự du nhập của văn hoá phương Tây vào Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tầng lớp trí thức tiểu tư sản Việt Nam dần dần hình thành. Nhưng dưới chính sách văn hóa nô dịch và ngu dân, tầng lớp trí thức nhỏ bé, gồm các nhóm trí thức trẻ, nhà nho, giáo viên, học sinh, sinh viên và người làm nghề tự do. Là tầng lớp nhạy cảm với cái mới, nhiều thanh niên trí thức đã sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước, truyền bá tư tưởng tiến bộ.

Ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, đó là cơ sở cho các chính sách đoàn kết - tập hợp, phát huy vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, trí thức ngày càng gắn bó với Đảng, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chung.

Trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, dưới ách áp bức của thực dân đế quốc, trí thức Việt Nam cùng cảnh ngộ của dân tộc, bị đè nén, khinh rẻ, tư tưởng bị áp chế, tài năng bị vùi dập, quyền lợi hàng ngày bị tước đoạt. Do vậy, trí thức mang trong mình tinh thần dân tộc và cách mạng.

Người khẳng định, sự tham gia của trí thức là nhân tố góp phần quyết định thành công của cách mạng và sớm đề ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), Người khẳng định vai trò của tri thức, lý luận và trí thức đối với cách mạng: Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động1. Đúc rút kinh nghiệm từ Cách mạng Pháp, Người chỉ rõ nguyên nhân Cách mạng Pháp thất bại là: Trong 3 lần cách mệnh, 1789, 1848, 1870, đều vì dân can đảm nhiều, nhưng trí thức ít (tác giả nhấn mạnh), cho nên để tư bản nó lợi dụng2.

Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc hướng mạnh vào thanh niên trí thức. Mặt khác, là tầng lớp nhạy bén với cái mới, nhiều thanh niên trí thức đã sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước, tiếp thu và truyền bá tư tưởng tiến bộ. Đảng ta đã gửi thanh niên ra nước ngoài học tập ở Trường Đại học Phương Đông, dự học các lớp đào tạo về lý luận chính trị, quân sự ở Liên Xô, Trung Quốc, sau đó trở về nước hoạt động.

Từ đây, trí thức có sự phân hóa thành hai bộ phận, một bộ phận theo xu hướng cách mạng vô sản, một bộ phận tiếp tục đi theo lập trường tư sản. Với sự nhạy bén với xu thế tiến bộ của thế giới, đại đa số trí thức không đứng trên lập trường giai cấp cũ của mình mà chuyển sang lập trường vô sản, đã "vô sản hóa".

Trên thực tế, trong việc giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, môi trường chính là tiểu tư sản trí thức. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp tư sản đã giương cao ngọn cờ dân tộc chống đế quốc, liên minh với giai cấp công nhân, giành được tiểu tư sản trí thức cách mạng là giành được quyền lãnh đạo cách mạng3.

Nhà nghiên cứu Trần Huy Liệu đã chỉ rõ: Năm 1930, việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới lá cờ chỉ đạo của Đảng của giai cấp công nhân, một số lớn những trí thức cách mạng Việt Nam đã vô sản hóa, không đứng trên lập trường giai cấp cũ của mình, mà đứng trên lập trường giai cấp công nhân, phối hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản4.

Mặc dù bị phân hóa, nhưng tầng lớp trí thức Việt Nam có điểm chung là lòng yêu nước thương nòi, căm ghét ngoại xâm, tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Nhà nghiên cứu Trần Huy Liệu khẳng định: Trong đám thanh niên trí thức Việt Nam những năm 1925-1930, trên con đường cứu nước, có người là tín đồ của Mác - Lênin cũng có người là tín đồ của Tôn Dật Tiên, nhưng căn bản là lòng yêu nước, phấn đấu cho nước độc lập, dân tộc được giải phóng5.

Đảng ta đã nhận thức rõ vai trò của trí thức và đề cao công tác trí thức. Trong các văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1930, xác định trí thức là một bộ phận trong lực lượng quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sách lược vắn tắt của Đảng nêu rõ: Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt,... để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp6.

Trong Cao trào cách mạng 1930-1931, trí thức đã sát cánh cùng công - nông trong các cuộc đấu tranh. Điển hình là sự tham gia của thanh niên, học sinh các trường học, các phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh.

Tuy nhiên, sau đó do điều kiện lịch sử và sự quán triệt một cách giáo điều sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản vào việc xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam, trong Đảng xuất hiện một số chủ trương về tầng lớp trí thức không phù hợp với thực tế. Do không biết nâng đỡ, không phát triển tinh thần yêu nước để chống đế quốc, mà chú trọng vào cuộc đấu tranh giai cấp, chống cường hào phú nông và địa chủ, đã đẩy trí thức về phe đế quốc.

Tại Luận cương chính trị của Đảng tháng 10/1930 nêu: Trí thức - tiểu tư sản, học sinh có xu hướng quốc gia chủ nghĩa, đại biểu quyền lợi cho cả giai cấp tư bản bản xứ, chứ không chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho tiểu tư sản mà thôi. Trong thời kỳ chống đế quốc thì trí thức cũng hăng hái tham gia, nhưng không thể bênh vực quyền lợi cho dân cày được, vì có liên quan với địa chủ. Chủ trương thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ (1930-1931) nêu chủ trương "thanh trừng trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ".

Trung ương Đảng đã sớm nhận ra những nhận thức sai lầm và sửa chữa triệt để, nhanh chóng quán triệt lại tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức. Tháng 11/1930, Ban Thường vụ Trung ương đã có Chỉ thị nêu rõ: Các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số trung, tiểu địa chủ có xu hướng cách mạng rõ ràng.

Mặc dù chưa có chính sách đoàn kết trí thức khoa học và hiệu quả, nhưng với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng ta đã tập hợp đông đảo trí thức xung quanh mình, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức có uy tín. Đến phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939 thì học thuyết Mác xít đã được phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng tư tưởng lớn đối với tầng lớp trí thức Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Trần Huy Liệu cũng chỉ rõ: Trong cao trào đấu tranh 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, trí thức đã thấy sức mạnh to lớn của công, nông. Sau cao trào, thực dân Pháp, với chỗ dựa của nó là một số trí thức tư sản và tiểu tư sản, một mặt đề ra một số cải cách giả hiệu ở nghị trường, một mặt làm dấy lên chủ nghĩa lãng mạn tư sản trên địa hạt văn nghệ. Nhưng đến phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939, thì học thuyết Macxit, với sự phổ biến rộng rãi của nó, đã nắm bá quyền trong tư tưởng những người tiến bộ nhất trong tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ7.

Qua thực tiễn đấu tranh, đội ngũ đảng viên ngày càng trưởng thành, mặt khác với đường lối đúng đắn và uy tín của mình, Đảng Cộng sản ngày càng tập hợp đông đảo trí thức quanh mình. Ngày càng vì công tác, vì trách nhiệm, mực trí tuệ của Đảng Cộng sản lên cao với mực trí tuệ chung của đồng bào, và càng ngày số đồng bào trí thức có uy quyền thêm đông đúc theo chủ nghĩa cộng sản, nơi đoàn tụ của trí tuệ Việt Nam8.

Đảng lôi cuốn đông đảo tầng lớp tiểu tư sản - trí thức tham gia vào phong trào quần chúng đấu tranh, trí thức trở thành một bộ phận trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám, đông đảo trí thức đã đứng vào mặt trận quần chúng, đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tầng lớp trí thức đã đoàn kết lại, từng bước có tổ chức của mình. Đông đảo thanh niên, sinh viên, trí thức đã tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức và phát động, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nguyễn Thắng Lợi

PGS, TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.1, tr.259, 274.

3,4,5,7. Xem: Trí thức Việt Nam xưa và nay, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H.2005, tr.30, 31.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H.2000, t. 3,tr.3.

8. Trần Văn Giàu: Tuyển tập, Nxb. Giáo dục, H.2001, tr.1116.

Video liên quan

*

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn

Responsive Ad

/*! Ads Here */

Billboard Ad

/*! Ads Here */