/*! Ads Here */

Tại sao gọi là bộ đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển.

Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sĩ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội được trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.

Mười lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân:

Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy

danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:

1. Hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.

7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.

9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân và ba điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.

10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam.

Những lời thề này có ý nghĩa như kim chỉ nam hành động cho bộ đội ta, không chỉ trong kháng chiến mà còn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cải trang dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắt thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26-12-1944, Đội đánh đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15 km về phía Đông Bắc). Đêm mồng 4 rạng sáng 5-2-1945, trong trận đánh thứ ba của Đội tại Đồng Mu (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), tiểu đội trưởng Xuân Trường (bí danh của đồng chí Hoàng Văn Nhủng) đã hi sinh anh dũng và trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam(1).

Ngày 15-4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định sáp nhập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân. Tháng 11-1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 7/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ ngày ra đời, quân đội ta luôn lập nhiều chiến công to lớn và hiển hách. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng năm châu, chấn động địa cầu năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Genève, rút quân khỏi miền Bắc nước ta. Hay chiến thắng 12 ngày đêm tại Hà Nội năm 1972, cùng với việc tạo ra một lưới lửa phòng không, quân đội ta đã cải tiến tên lửa, hạ gục pháo đài bay B52 - sản phẩm tinh túy của nền khoa học kỹ thuật Mỹ, góp phần vào việc tạo áp lực để Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam. Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân 1975 quét sạch chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, hiện thực hóa việc thống nhất đất nước

Trước Cách mạng tháng Tám, đồng bào ta vẫn gọi các đơn vị vũ trang là Bộ đội Ông Ké, Bộ đội Ông Cụ, sau này là Bộ đội Cụ Hồ. Cứ như vậy, tên gọi thân thương đó từ chiến khu Việt Bắc đã lan rộng ra cả nước từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua nhiều thời kỳ, nhưng Bộ đội Cụ Hồ vẫn là tên gọi thân thương của nhân dân ta, để rồi đi dân nhớ, ở dân thương và quân với dân như cá với nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 22-12-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen rằng: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân. Sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã viết: Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

-----------------------------

(1) Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch bị thiệt hại nặng buộc phải rút chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Theo nguyện vọng của nhân dân, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường, để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường.

Nguyễn Văn Toàn

Video liên quan

*

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn

Responsive Ad

/*! Ads Here */

Billboard Ad

/*! Ads Here */