Một số điểm giống và khác nhau cơ bản giữa câu đơn trong tiếng Anh và câu đơn trong tiếng Việt
Các nhà ngôn ngữ học hiện đại lại cho rằng một định nghĩa có tính chất ngôn ngữ học về câu phải xem xét đến cấu trúc nội tại của nó. Một câu sẽ bao gồm những thành tố cụ thể nhất định xếp trong một trật tự nhất định và tất nhiên phải bao gồm các từ và các phần của từ khi xem xét đến cùng. Như vậy, câu là đơn vị lớn nhất xét về cấu trúc ngữ pháp của nó.
Các mẫu câu cơ bản trong tiếng Anh và tiếng Việt
Các mẫu câu cơ bản trong tiếng Anh
Theo R. Quirk et al viết (1972, tr. 342-343), câu đơn là một câu chỉ có một cú độc lập đơn nhất. Xét về mặt cấu trúc, trong tiếng Anh có bảy loại câu đơn sau:
Loại 1 SVC. Ví dụ (VD): Mary is a nurse.
Loại 2 SVA. VD: Mary is in the house.
Loại 3 SV. VD: The child was laughing.
Loại 4 SVO. VD: Somebody caught the ball.
Loại 5 SVOC. VD: We have proved him wrong.
Loại 6 SVOA. VD: I put the plate on the table.
Loại 7 SVOO. VD: She gives me expensive presents.
Các mẫu câu cơ bản trong tiếng Việt
Theo Giáo sư Diệp Quang Ban thì dựa trên lý thuyết về ngữ pháp chức năng của M.A.K Halliday đã nêu lên những giải pháp khả chấp cho ngữ pháp tiếng Việt. Theo ông, câu đơn là đơn vị lớn nhất của mặt cấu trúc trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ (Diệp Quang Ban, 2004 & 2005, tr.19) và cú được làm thành từ một khúc đoạn ngôn ngữ tập trung chung quanh một vị tố, và được dùng để diễn tả một sự thể, sự việc. (Diệp Quang Ban, 2004 & 2005, tr.22).
Cũng trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (2004), Giáo sư Diệp Quang Ban đã xử lý một cách khá đầy đủ, toàn diện các vấn đề cần lưu ý về ngữ pháp tiếng Việt: cấu trúc thực hiện ba chức năng được cụ thể hóa thành cấu trúc nghĩa biểu hiện, cấu trúc thức và cấu trúc đề - thuyết; cũng như mối quan hệ giữa cấu trúc thực hiện các chức năng và cấu trúc cú pháp của câu (Diệp Quang Ban, 2004 & 2005, tr. 31-63). Ông cũng nêu lên 12 kiểu câu cơ bản của tiếng Việt (xét theo cấu trúc cú pháp - nghĩa biểu hiện). Đó là:
Loại 1: Câu chứa vị tố động từ tính/tính từ tính/danh từ tính.
Loại 2: Câu có vị tố là từ quan hệ dùng không độc lập (là, do, bằng, để, như)
Loại 3: Câu có chủ ngữ chỉ nguyên nhân được cấu tạo từ từ, cụm từ, cú.
Loại 4: Câu khiển động.
Loại 5: Câu có chủ ngữ chỉ chỉ phương tiện.
Loại 6: Câu có cấu tạo thuận - nghịch.
Loại 7: Câu có quan hệ chỉnh thể - bộ phận (chủ ngữ chỉ chỉnh thể).
Loại 8: Câu có đề ngữ nhấn mạnh.
Loại 9: Câu bị động.
Loại 10: Câu tồn tại, không có chủ ngữ.
Loại 11: Câu gọi, đáp, không có chủ ngữ.
Loại 12: Câu cảm thán là phát ngôn đặc biệt.
Quan niệm của Diệp Quang Ban bao gồm những loại câu có chủ ngữ và loại câu có chủ đề/đề ngữ trong tiếng Việt. Chúng tôi thấy đây có thể là cơ sở để đi sâu tìm hiểu, đối chiếu giữa câu đơn trong tiếng Anh và tiếng Việt.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin tập trung vào so sánh về các mẫu câu đơn cơ bản trong tiếng Anh và tiếng Việt.
Một số điểm giống và khác nhau cơ bản giữa câu đơn trong tiếng Anh và tiếng Việt
Những điểm giống nhau
Như đã nêu ở trên, chúng ta có thể thấy tương đương với bảy mẫu câu cơ bản trong tiếng Anh có bảy kiểu câu trong tiếng Việt.
Tiếng Anh
Tiếng Việt
Kiểu 1: S + V + C
Chủ ngữ + Động từ + Bổ ngữ
e.g. He will become a teacher.
VD: Anh ấy sẽ trở thành giáo viên.
Kiểu 2: S + V + A
Chủ ngữ + Động từ + Trạng ngữ
e.g. The books are on the shelf.
VD: Những cuốn sách ở trên giá sách.
Kiểu 3: S + V
Chủ ngữ + Động từ
e.g. The stars are twinkling.
VD: Những ngôi sao đang nhấp nháy.
Kiểu 4: S + V + O
Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ
e.g. We love music.
VD: Chúng tôi yêu âm nhạc.
Kiểu 5: S + V + O + C
Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ + Bổ ngữ
e.g. We elected him our monitor.
VD: Chúng tôi bầu anh ấy làm lớp trưởng
Kiểu 6: S + V + O + A
Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ + Trạng ngữ
e.g. He put his books on the shelf.
VD: Anh ấy đặt những cuốn sách của mình lên trên giá sách.
Kiểu 7: S + V + O + O
Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ 1 + Tân ngữ 2
e.g. He gave me a letter.
VD: Anh ấy đưa cho tôi một bức thư.
Bảng 1: Các kiểu câu đơn tương đương Anh - Việt
Chúng ta có thể thấy là sự phân chia các thành tố của câu tồn tại một cách phổ quát cho mọi ngôn ngữ cho dù đó là ngôn ngữ tổng hợp tính, ngôn ngữ phân tích tính hay kể cả ngôn ngữ đơn lập. Câu trong hầu hết các ngôn ngữ đều có thể chia thành các thành tố: chủ ngữ (S), động từ (V), tân ngữ (O), bổ ngữ (C) và trạng ngữ (A).
Bảy kiểu câu nêu trên là bảy kiểu câu đơn cơ bản có những nét giống nhau đặc trưng trong tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên nếu chúng ta đi sâu phân tích hơn một chút có thể sẽ có một vài nét khác biệt chi tiết hơn. Sau đây là một số điểm khác nhau cơ bản giữa câu đơn trong tiếng Anh và câu đơn trong tiếng Việt.
Những điểm khác nhau
Trước hết, về phương diện cấu trúc câu tiêu biểu trong tiếng Việt, chúng ta có hai kiểu câu có thể coi là tương ứng với kiểu câu SVC trong tiếng Anh nhưng lại mang đặc trưng của tiếng Việt, đó là:
Kiểu: Cô ấy là người Hà Nội đấy!
(S + (V) + C)
(She is from Hanoi.)
Động từ là ở đây là thành tố không cần thiết trong câu.
Kiểu: Hôm nay trời đẹp lắm.
(S + Predicate = Adj)
(Today it is very nice.)
Trong các câu trên, tính từ làm chức năng vị ngữ chứ không phải động từ làm chức năng vị ngữ như các kiểu câu khác và kiểu câu tiếng Anh tương đương.
Một điểm khác biệt nữa về kiểu cấu trúc câu, đó là tương đương với kiểu câu SVOC trong tiếng Anh ngoài trường hợp câu tương đương nêu trên, còn có câu tiếng Việt như sau:
Kiểu: Chúng tôi bầu ông ấy làm Chủ tịch ba khóa liền.
(We elected him our chairman for three running terms of office.)
Ở đây chúng ta thấy từ bầu có tân ngữ là một cú (tương đương cấu trúc O + C trong tiếng Anh) ông ấy làm Chủ tịch ba khóa liền (= he works as chairman for three running terms of office). Cú này có thể làm một câu độc lập được, và do vậy câu này có thể coi là một câu phức trong tiếng Việt.
Do vậy, theo một số nhà Việt ngữ học như Nguyễn Tài Cẩn, trong tiếng Việt có thể có chín hay mười mẫu câu đơn chứ không phải chỉ có bảy mẫu câu đơn như trong tiếng Anh.
Xem xét các quan điểm về các kiểu câu trong tiếng Việt của Diệp Quang Ban, ta có thể thấy khá nhiều mẫu câu tương đương với các câu là biến thái của các câu cơ bản trong tiếng Anh, trong đó có cả những câu phức có chứa cú phụ. Cụ thể là:
- Kiểu câu 1 của Diệp Quang Ban tương ứng với kiểu câu 1 (SVC) trong tiếng Anh. VD: Cô ấy đẹp. = She is beautiful.
- Kiểu câu 2 tương ứng với kiểu câu 1 (SVC) trong tiếng Anh. VD: Việc này tại Nam. = This state of affair is due to Nam.
- Kiểu câu 3 tương đương với kiểu câu 4 (SVO) với S chỉ công cụ. VD: Bão làm đổ cây. = The storm killed the trees.
- Kiểu câu 4 tương đương với kiểu câu 5 (SVOC) trong đó C = to infinitive. VD: Những tên cướp bắt họ đứng im. = The robbers forced them to stand still.
- Kiểu câu 5 tương đương với kiểu câu 2 (SVA) trong đó A = P.P. VD: Giấy này in báo. = This sort of paper is (used) for printing newspaper.
- Kiểu câu 6 tương đương với kiểu câu 4 (SVO) hoặc kiểu câu 1 (SVC). VD: Nước đầy thùng. = Water filled the pail. Hoặc: Thùng đầy nước. = The pail is full of water.
- Kiểu câu 7 tương đương với kiểu câu 5 (SVOC) hoặc kiểu câu 4 (SVO) với O mở rộng. VD: Bàn này gẫy chân. = This table has its leg broken. Hoặc: Cây này lá đỏ. = This tree has red leaves.
- Kiểu câu 8 tương đương với biến thái của câu thông thường SVO, SVC với O và C đã được đề hóa (thematized). VD: Sách này tôi đọc rồi. = This book I have read already.
- Kiểu câu 9 tương đương với câu bị động, biến thái của của kiểu câu 4 (SVO) nhưng với kiểu trật tự từ điển hình của tiếng Việt.
VD: Nam được thầy giáo khen. = Nam was praised by his teacher.
- Kiểu câu 10 tương đương với biến thái của kiểu câu 2 (SVA). VD: Trong tủ bếp có nhiều cốc chén. = There are many cups and glasses in the cupboard.
- Kiểu câu 11 là loại câu dùng như hô ngữ. VD: Nam: Linh ơi! ~ Linh: Dạ. = Nam: Linh (Oh, Linh) ~ Linh: Here I am.
- Kiểu câu 12: câu cảm thán là phát ngôn đặc biệt. Loại câu này có thể xếp theo loại hành động lời nói đưa đẩy. VD: Ối trời đất ơi! = Oh, my God! Hoặc: Dear me!
Trên đây là một số điểm giống nhau và khác nhau cơ bản giữa các mẫu câu đơn trong tiếng Anh và các mẫu câu đơn trong tiếng Việt. Tất nhiên, khi đi sâu phân tích từng tiểu loại câu thuộc các nhóm câu đơn mà Giáo sư Diệp Quang Ban liệt kê còn rất nhiều vấn đề cần bàn đến. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin dừng lại ở đây./.
ThS Hoàng Thu Lan
Nội san NNQS số 4-04/2010
Bình luận
Gửi bình luận