Mỗi giờ, rừng Amazon lại mất khoảng diện tích bằng 110 sân bóng đá
Dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil ghi nhận gần 131.600 vụ cháy rừng tại nước này từ đầu năm 2019 đến nay, theo AFP. Các vụ cháy phần lớn được gây nên bởi con người. Nông dân phát rừng để canh tác và chăn nuôi.
Nạn phá rừng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Amazon. Tỷ lệ phá rừng tại Brazil đã tăng gấp đôi kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào đầu năm 2019. Tốc độ tàn phá tương đương với 110 sân bóng mỗi giờ.
Dữ liệu của INPE cho biết số vụ cháy rừng tại Brazil đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Số vụ cháy đang diễn ra tại nước này từ đầu năm đến ngày 19/9 tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Gần 50% số vụ diễn ra trong khu vực rừng Brazil.
Theo CNN, vùng rừng và thảo nguyên Cerrado cũng đang chịu sự tàn phá nghiêm trọng từ các hoạt động của con người. Gần 50% diện tích bị hủy hoại vì nạn phá rừng với tốc độ gần 700.000 ha/năm.
Cerrado là nơi cư trú của hơn 4.800 loài động vật và hơn 11.000 loài thực vật. Hơn 50% số loài chỉ sống tại khu vực này và không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Các nhà khoa học lo sợ rằng nếu tình trạng mất rừng tại Amazon vẫn cứ tiếp diễn, có thể đẩy tới mức cực đoan, sau đó toàn bộ khu vực này sẽ bước vào giai đoạn biến đổi từ rừng nhiệt đới thành rừng xavan (chỉ gồm cỏ, cây bụi và rất ít cây lớn).
Nguy cơ lớn nhất vì mất rừng Amazon là khoảng 20 tỉ tấn carbon dioxide sẽ bị thải vào không khí, khiến trái đất nóng lên.
Rừng Amazon tiếp tục cháy.Hàng triệu người Đông Nam Á đang khốn khổ vì cháy rừng ở Indonesia
Trong khi đó, ở Indonesia, nạn đốt phá rừng lấy đất sản xuất dầu cọ gây ra hàng nghìn đám cháy trên đảo Borneo và Sumatra, tạo những đám mây khói bụi dày đặc, làm hàng trăm nghìn người đổ bệnh, trường học phải đóng cửa và hàng không bị gián đoạn.
Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Indonesia cuối tuần rồi cho biết gần 900.000 người dân nước này bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do ảnh hưởng của khói mù từ các vụ cháy rừng và than bùn bao phủ nhiều khu vực trên các đảo Borneo và Sumatra trong vài tháng qua.
Theo hãng tin Kyodo, khói mù đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí không chỉ ở Indonesia mà cả ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Tại Thái Lan, thành phố Hat Yai thuộc tỉnh Songkhla hôm 22-9 đã hứng chịu đám khói mù dày đặc nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng cháy rừng ở Indonesia trong năm nay.
Cùng ngày, chất lượng không khí ở Singapore quay trở lại mức không tốt cho sức khỏe khiến bầu trời u ám vì khói mù. Một số chuyến bay giữa nước này và TP Ipoh - Malaysia đã bị hủy do tầm nhìn kém, theo hãng tin Bernama.
Tại Malaysia, nhà chức trách giáo dục bang Selangor thông báo 57 trường học ở các quận Kuala Langat và Klang bị đóng cửa trong ngày 23-9 do chất lượng không khí kém. Trước đó, khói mù đã buộc hàng ngàn trường học ở nước này lâm vào cảnh tương tự trong lúc hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ.
Bộ Nguồn nhân lực Malaysia khuyến nghị các chủ sử dụng lao động thực hiện chính sách làm việc linh hoạt trong giai đoạn khói mù diễn ra và cho phép người lao động làm việc tại nhà.
Khói mù cũng đã được phát hiện ở miền Trung và miền Nam Philippines hôm 20-9. Cơ quan Môi trường, Tài nguyên và Năng lượng Khu tự trị Bangsamoro trên đảo Mindanao đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng khói mù xuyên biên giới cho các địa phương thuộc khu vực này.
Cảnh báo được đưa ra sau khi có tin khói mù xuất hiện từ các vụ cháy rừng ở Indonesia đang ảnh hưởng đến các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Papua New Guinea, Timor Leste và Philippines.
Theo báo Manila Times (Philippines), khói mù là một hiện tượng trong khí quyển - nơi bụi mịn, khói, hơi và các phần tử khô trong không khí làm lu mờ bầu trời và ảnh hưởng đến chất lượng không khí do hậu quả của cháy rừng và các chất gây ô nhiễm.
Tại Philippines, một số khu vực ở các đảo Palawan, Visayas và Mindanao đã báo cáo về ảnh hưởng của khói mù. Người dân nước này được khuyến cáo đeo khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà, vì khói mù có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như ho, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.