Introvert (Phần 1): Một mình trong thế giới nhiều hướng ngoại
Có bao giờ bạn cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, nhất là giữa môi trường học tập và làm việc ở Mỹ? Hay cảm thấy đôi khi việc ở nhà một mình, nghe nhạc đọc sách là khác người? Từ khi đi du học, mình luôn cảm thấy như vậy và luôn cố gắng để thay đổi để hoà nhập. Nhưng thật ra mình THÍCH ở một mình, cảm thấy hứng khởi khi làm việc trong yên lặng, và thích chơi với một nhóm bạn thân hơn là tụ họp đông đúc. Chỉ đến khi đọc được cuốn sách Quiet: The Power of Introverts in a World that Cant Stop Talking của cô Susan Cain, một luật sư ở Wall Street chuyển sang viết sách,thì gánh nặng, sự giằng xé giữa tính cách mới được trút bỏ. Mình cảm thấy yên lòng là chính mình, vì tính cách bản thân mình như vậy là bình thường.
Introvert vs. Extrovert
Người Mỹ và xã hội Mỹ là một trong những người có văn hoá hướng ngoại (extrovert) cao nhất thế giới. Thật ra một số đông người trong đó là người hướng nội (introvert) nhưng phải cố gắng trở thành hướng ngoại để hoà nhập với xã hội này. Một phần ba cho đến một nửa dân số có tính hướng nội. Quan trọng hơn, nhiều người hướng nội đã trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc, đóng góp thành tựu to lớn cho xã hội, nhưng xu hướng luôn chú trọng và đề cao tính hướng ngoại hiện nay khiến cho họ cảm thấy mình dị biệt và không được khuyến khích tạo điều kiện phát triển.
Bạn có phải là introvert?
Theo như cô Susan Cain đề cập trong sách, có thể bạn là người hướng nội nếu bạn có những biểu hiện sau:
- Bạn hay cảm thấy mệt mỏi khi phải dành nhiều thời gian trong đám đông
- Bạn thích chơi với một nhóm bạn nhỏ thân hơn là tiệc tùng đông người thường xuyên
- Bạn luôn suy nghĩ rất kĩ càng trước khi nói hay đưa ra quyết định
- Bạn cảm thấy mệt rã rời và phải về nhà sạc pin bản thân (recharge) sau khi đi tiệc tùng gặp gỡ nhiều người, mặc dù bạn cảm thấy vui lúc ở đó
- Bạn thường muốn tìm chỗ nào yên tĩnh để ở một mình và suy nghĩ
- Bạn làm việc hiệu quả nhất ở nơi yên lặng, không phải làm trong nhóm
Tuy nhiên, mọi người nên cân nhắc là introvert và extrovert là hai thái cực trên một quang phổ (spectrum). Bạn có thể rất introvert tuốt ở đầu này của spectrum, hoặc có người lơ lửng ở giữa hai bên (ambivert), và tuỳ theo tâm trạng mà thay đổi chút ít. Như mình 10 năm trước mới sang đây là extreme introvert. Nhưng dần dần quan hệ cởi mở hơn, thay đổi theo thời gian nên bây giờ chắc 70-30 chứ không extreme nữa.
Sự khác biệt giữa introvert và extrovert
- Introvert lấy năng lượng (draw energy from) khi giao lưu với một nhóm nhỏ hay ở một mình Extrovert nạp năng lượng từ việc ở xung quanh nhóm đông đúc rôm rả
- Introvert nghĩ nhiều hơn nói, nghĩ nhiều rồi mới nói- Extrovert thích nói nhiều, vừa nói vừa nghĩ
- Introvert khi gặp người mới quen mà hợp tính thì có thể trò chuyện về những vấn đề rất sâu sắc như triết học, văn hoá rồi sau đó mới ba hoa tám chuyện- Extrovert thường hay dùng small talk, nói về những vần đề nhẹ hơn như thời tiết, địa điểm ăn uống. Khi nào thân nhau rồi mới bàn những vấn đề sâu sắc hơn
- Introvert hay làm việc một mình để tập trung suy nghĩ Extrovert thích làm việc trong nhóm để bàn bạc
- Introvert lựa chọn những chỗ yên tĩnh vì họ dễ bị phân tâm hay kích động (không phải theo nghĩa xấu, mà chỉ là stimulated)- Extrovert thích ở những nơi nhiều tiếng động, màu sắc, nhiều kích thích (stimulating environment)
Một số khó khăn của introvert trong môi trường đầy extrovert
Người châu Á thường thiên về introvert hơn người Mỹ và châu Âu. Vì vậy, bản thân mình là người châu Á có những khó khăn riêng trong môi trường học tập và làm việc ở đây. Tuy nhiên, theo như cô Susan Cain thì ngay cả introvert người Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự. Bản thân cô Susan là introvert làm nghề luật sư ở Wall Street trong thế giới tài chính quay cuồng, và bạn có thể tưởng tượng công việc của một luật sư phải nói chuyện giao tiếp phản biện liên tục đòi hỏi cố gắng như thế nào cho một người introvert. Sau khi tìm hiểu để viết sách, cô gợi ý những khó khăn sau mà mình đồng tình.
- Introvert không được trọng dụng một cách xứng đáng. Như nói trên, introvert thường nghĩ nhiều rồi mới nói ít, trong khi extrovert thường xung phong phát biểu trước, mặc dù ý kiến của họ đôi khi chẳng đóng góp gì nhiều hoặc cứ nói một cách vô nghĩa. Nhưng trong một nhóm thì mọi người lại ấn tượng nghĩ là anh extrovert đó thật hay thật giỏi. Và người extrovert vì thích nói nhiều và giao tiếp nên được chú ý và đề cử thăng tiến, mặc dù có thể không giỏi hơn một chị introvert cùng nhóm
- Introvert gặp khó khăn về việc tự tin vào bản thân (suffer in self-esteem) vì mọi người thường vây quanh người extrovert nói nhiều sôi nổi và có thể thấy introvert thích ở một mình là kì lạ, không hoà đồng.
- Không chỉ trong môi trường chuyên nghiệp, mà trong quan hệ riêng tư và gia đình, nếu hai người có tính cách ở hai thái cực mà không nhận biết và cố gắng phù hợp với nhau thì dẫn đến mâu thuẫn giữa vợ chồng, con cái.
- Trong giáo dục con trẻ, môi trường chú trọng extrovert không tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em introvert được là chính mình, tự do suy nghĩ hay ngồi đọc sách mà bắt chúng phải làm việc nhóm, hiếu động hơn. Điều này không những làm lãng phí tài năng của con trẻ mà còn có thể gây tác hại lâu dài, khiến trẻ tự ti trầm cảm hay cảm thấy không được gia đình và xã hội chấp nhận.
Các bài liên quan:
- Introvert (Phần 2): Hãy trân trọng bản thân và thoải mái là chính mình
- Introvert (Phần 3): Network như một introvert
Trong bài sau, mình sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm của bản thân trong việc hoà nhập vào môi trường ở Mỹ và tạo network của riêng mình theo cách của một introvert. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặcFacebook Pagecủa trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Source:Quiet: The Power of Introverts in a World that Cant Stop Talking by Susan Cain
Photo Source:Featured Image,Spectrum,Introvert or Extrovert