1. Đặt vấn đề
NSNN là toàn bộ các khoản thu - chi của Nhà nước được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong 1 năm nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước. NSNN được chia thành 2 cấp: (NSTW) và (NSĐP).
Ngân sách cấp tỉnh là một cấp ngân sách có vai trò quan trọng trong hệ thống NSNN. Việc tổ chức, quản lý chi ngân sách cấp tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng cường công tác quản lý chi NSNN cấp tỉnh là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, tạo niềm tin cho nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt trong thời kỳ cả nước đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý.
Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã. Trong đó, có 29 xã biên giới. Số dân tính đến thời điểm năm 2018 là 55 vạn dân, gồm 19 dân tộc anh em. Đặc điểm này cũng ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý NSNN [5].
Công tác quản lý NSNN của tỉnh Điện Biên thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý chi NSNN của tỉnh cũng còn tồn tại những bất cập cần giải quyết, cụ thể: Các khâu trong quy trình quản lý còn yếu, công tác lập dự toán ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý theo dự toán được duyệt; trong năm còn bổ sung, điều chỉnh dự toán nhiều lần, gây khó khăn cho công tác quản lý dự toán được duyệt từ đầu năm;
Do vậy, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu đề tài Quản lý chi ngân sách nhà nước của tỉnh Điện Biên, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường công tác lập dự toán và quyết toán chi NSNN nhằm sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
2. Thực trạng quản lý chi NSNN tỉnh Điện Biên
2.1. Tình hình chi NSNN của tỉnh Điện Biên
Nguồn: Báo cáo tình hình thu chi NSNN tỉnh Điện Biên
Quy mô chi NSNN tỉnh Điện Biên liên tục tăng qua các năm (trừ năm 2018 do chi NSNN năm 2017 tăng quá nhanh so với năm 2016 và do hụt thu ngân sách).
Cơ cấu chi NS cho thấy, chi NSNN ở tỉnh Điện Biên chủ yếu phục vụ bộ máy nhà nước và các cơ quan đoàn thể, sự nghiệp với tỷ trọng chi thường xuyên khá cao, bình quân chiếm 65,2% cơ cấu chi cân đối NSNN. Hơn nữa, trong những năm gần đây, tốc độ tăng chi thường xuyên nhanh hơn tốc độ tăng chi ĐTPT khiến tỷ trọng chi ĐTPT trong cơ cấu chi giảm từ 17,7% năm 2016 xuống còn 15% vào năm 2018, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên tăng tương ứng từ 65,2% lên 67,6%.
Năm 2018, chi NSĐP là 9.359,427 tỷ đồng, đạt 103,29% dự toán. Trong đó: Giải ngân vốn đầu tư ngân sách tỉnh quản lý qua Kho bạc Nhà nước tỉnh đến 31/12/2018 là 1.395,330 tỷ đồng, đạt 65,71% so với kế hoạch vốn được giao. Thuộc kế hoạch vốn giao năm 2018 là 1.199,676 tỷ đồng, đạt 62,49% so với kế hoạch vốn được giao. Kế hoạch vốn năm trước được kéo dài sang năm 2018 thực hiện là 198,904 tỷ đồng, đạt 95,35% so với kế hoạch vốn được giao. Cụ thể:
+ Chi đầu tư trong cân đối: Giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 537,992 tỷ đồng/660,743 tỷ đồng, đạt 81,57% so với kế hoạch vốn giao.
+ Vốn hỗ trợ thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ từ NSTW: Đã giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 252,599 tỷ đồng/323,555 tỷ đồng, đạt 78,07% so với kế hoạch vốn giao.
+ Vốn Trái phiếu Chính phủ: Đã giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 448,070 tỷ đồng/809,082 tỷ đồng, đạt 54,4% so với kế hoạch vốn giao.
+ Vốn nước ngoài: 254,763 tỷ đồng đã giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 103,600 tỷ đồng, đạt 40,7% so với kế hoạch vốn giao.
+ Kế hoạch vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư: KBNN đã giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 55,319 tỷ đồng/80,191 tỷ đồng, đạt 69,54% so với kế hoạch vốn giao [4].
2.2. Thực trạng quản lý chi NSNN tỉnh Điện Biên
2.2.1. Thực trạng lập dự toán chi NSNN
Công tác lập dự toán chi ngân sách huyện trong những năm qua tại tỉnh Điện Biên đã thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn có liên quan về thời gian và quy trình lập dự toán. Tuy nhiên, trong khi xây dựng dự toán các đơn vị chưa tính toán đầy đủ các nội dung chi trong năm, chưa bám sát nhiệm vụ được giao cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể, thường sử dụng số liệu quyết toán năm trước và ước thực hiện năm sau để xây dựng dự toán. Chính vì vậy, số liệu xây dựng dự toán thường khó thực hiện trong năm, thường phải điều chỉnh nội dung chi, điều chỉnh dự toán dẫn đến khó quản lý chi theo dự toán được duyệt từ đầu năm, khi điều chỉnh nội dung chi thì cơ quan quản lý phải chạy theo từng sự vụ cụ thể của từng đơn vị.
2.2.2. Thực trạng công tác chấp hành dự toán chi NSNN của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 -2018
a) Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách
- Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản: Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch vốn đối với từng công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh, đồng thời thông báo phương thức quản lý và thanh toán vốn để các chủ đầu tư biết cách để triển khai thực hiện; Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước căn cứ quy định về phân cấp xây dựng cơ bản, thông báo phân cấp danh mục công trình thực hiện kiểm soát thanh toán tại cơ quan KBNN tỉnh hoặc KBNN các huyện, thành phố.
Đối với chủ đầu tư công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách huyện: Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo kế hoạch vốn đối với từng công trình, dự án, các chủ đầu tư thực hiện thanh toán, kiểm soát tại KBNN trên địa bàn.
Việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện kịp thời đến các chủ đầu tư ngay từ đầu năm nên các đơn vị có điều kiện thực hiện triển khai dự án. Mặt khác, giao tách biệt giữa các nguồn vốn ngân sách, ít có tình trạng một công trình nhưng bố trí nhiều nguồn vốn nên thuận lợi trong công tác kiểm soát và thanh quyết toán vốn đầu tư. Tuy nhiên, một số nguồn vốn đối ứng, vốn chuẩn bị đầu tư còn phân bổ chậm, thường khoảng tháng 5 hàng năm mới thực hiện, làm cho các chủ đầu tư còn bị động trong việc triển khai dự án.
- Đối với chi thường xuyên: Sở Tài chính và UBND cấp huyện đã tiến hành thông báo dự toán ngay từ đầu năm cho các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc để tạo quyền chủ động cho các đơn vị. Vì vậy, những khoản chi phát sinh ngay từ đầu năm đã được đáp ứng. Do khi lập dự toán ngân sách đã phân định cụ thể từng nội dung chi và đơn vị thụ hưởng, vì vậy việc phân bổ, giao dự toán có nhiều điểm thuận lợi. Tuy nhiên, do việc lập dự toán còn để một số chỉ tiêu chưa phân bổ nên khi giao dự toán cũng không giao chỉ tiêu này. Mặt khác, tại cấp tỉnh và cấp huyện, cơ quan tài chính thẩm định dự toán đối với một số đơn vị còn chưa chặt chẽ, do đó thiếu căn cứ để kiểm soát dẫn đến chưa tách bạch giữa kinh phí giao tự chủ và kinh phí giao thực hiện không tự chủ.
- Đối với nguồn dự phòng ngân sách: Theo quy định của Luật NSNN, dự phòng ngân sách hàng năm phải đảm bảo từ 2 - 5% trên tổng chi cân đối NSĐP. Mặt khác, việc giao chỉ tiêu cho nguồn này không được thấp hơn số ngân sách cấp trên phân bổ. Qua tìm hiểu, nhóm tác giả nhận thấy ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hiện đúng quy định, hàng năm bố trí khoảng 2,5 - 2,7% trên tổng chi cân đối NSĐP tương ứng với số kinh phí khoảng 50 tỷ đồng đối với cấp tỉnh, 6 tỷ đồng đối với mỗi cấp huyện. Riêng đối với ngân sách cấp xã, các địa phương còn chưa quan tâm trong việc bố trí nguồn dự phòng, nhiều xã phân bổ còn thấp, chỉ đạt khoảng 1,8% trên tổng chi cân đối.
- Đối với các chương trình mục tiêu: Trên cơ sở nguồn vốn của NSTW bố trí cho các CTMT hàng năm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê chuẩn dự toán chi đối với từng CTMT để các Sở, ngành có cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài phần giao dự toán bằng với số NSTW phân bổ, để thuận lợi hơn cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu, UBND đã trình HĐND tỉnh bổ sung bằng vốn đối ứng từ NSĐP. Đây cũng là điểm tiến bộ một phần thúc đẩy nhanh việc thực hiện các CTMT, giảm bớt gánh nặng đối với NSTW, phát huy hiệu quả trong việc quản lý sử dụng vốn các CTMT quốc gia.
b) Chấp hành dự toán chi NSNN
Nguồn: Báo cáo tình hình thu chi NSNN tỉnh Điện Biên
Theo thống kê từ Bảng 2, số chi NSNN vượt so với dự toán giao đầu năm khá lớn. Nếu năm 2016 là 29%, năm 2017 là 33% thì đến năm 2018 tỷ lệ chi vượt dự toán giao đầu năm chỉ còn là 12%. Điều này cho thấy, trong những năm gần đây công tác lập dự toán chi NSNN đã từng bước được tỉnh Điện Biên chú trọng, các ngành, các cấp đã bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Tuy nhiên, tỷ lệ chi vượt dự toán năm 2018 là 12% vẫn là cao so với của cả nước.
- Chi thường xuyên: Năm 2016, tỷ lệ chi vượt dự toán là 10%; năm 2017, tỷ lệ chi vượt dự toán là 12%; đặc biệt trong năm 2018, tỷ lệ chi vượt dự toán là 3%, do tỉnh Điện Biên đã tích cực thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn bộ máy, hiệu lực hiệu quả.
- Chi đầu tư phát triển: Năm 2016, tỷ lệ chi vượt dự toán là 9%; đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ chi vượt dự toán là 150%, do tỉnh Điện Biên đã tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, còn do yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, năm 2018, tỷ lệ chi vượt dự toán là 42%.
2.2.3. Thực trạng quyết toán chi NSNN của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 -2018
Công tác quyết toán chi NSNN tỉnh Điện Biên bao gồm hai quá trình, đó là: Thẩm định, lập báo cáo quyết toán và Phê duyệt, quyết toán chi NSNN.
- Sở Tài chính thực hiện công tác thẩm định báo cáo quyết toán chi NS của đơn vị sử dụng dự toán. Công tác thẩm định báo cáo quyết toán xong trước ngày 18 tháng 8 đối với đơn vị cấp tỉnh và trước ngày 15 tháng 9 đối với báo cáo quyết toán của các huyện, thị xã, thành phố. Sau đó, tiến hành tổng hợp, lập báo cáo quyết toán chi toàn tỉnh và đối chiếu số liệu với KBNN trước khi báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua và báo cáo Bộ Tài chính.
- Chất lượng của báo cáo quyết toán chi: Từ cấp xã đến cấp tỉnh đều đã lập cơ bản các mẫu biểu theo quy định của Luật NSNN và các văn bản dưới Luật. Báo cáo quyết toán chi của các địa phương được tổng hợp từ các xã, phường, thị trấn và báo cáo quyết toán chi toàn tỉnh được tổng hợp từ các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách tỉnh và báo cáo quyết toán của các huyện, thành phố, thị xã. Báo cáo quyết toán chi của các cấp ngân sách cũng như báo cáo tổng quyết toán chi của toàn tỉnh đều được đối chiếu với cơ quan Kho bạc Nhà nước, đảm bảo khớp đúng về tổng số.
- Về việc thẩm tra phê chuẩn quyết toán chi năm: Về cơ bản HĐND cấp tỉnh đã thực hiện phê chuẩn quyết toán chi theo đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, do còn một số đơn vị cơ quan tài chính chưa tiến hành thẩm định quyết toán chi trước khi lập báo cáo quyết toán nên vẫn còn tình trạng quyết toán cả những khoản chưa thực chi. Đối với những khoản kinh phí cấp phát bằng lệnh chi tiền đã quyết toán theo số cấp phát trong khi một số đơn vị chưa sử dụng hết số kinh phí được cấp, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho các Hội, các đơn vị Trung ương.
2.2.4. Thực trạng kiểm tra, giám sát thực hiện NSNN tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2018
Trong giai đoạn 2016- 2018, tỉnh Điện Biên đã tiến hành 38 cuộc kiểm tra, giám sát về thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý kinh tế, việc miễn cấp bù thủy lợi phí... tại 63 đơn vị trên địa bàn. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã phát hiện sai phạm 3.803 triệu đồng, thu hồi về cho ngân sách cho 2.527 triệu đồng.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán, xác định tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán NSNN các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.
2.3. Kết quả và hạn chế trong quản lý chi NSNN tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2018
2.3.1. Những kết quả đạt được
Công tác lập và giao dự toán NSĐP năm sau cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu do Chính phủ và Bộ Tài chính giao; Cơ cấu chi ngân sách hợp lý, đúng quy định của Luật NSNN; Công tác quyết toán ngân sách đạt tiến độ về thời gian; Công tác cân đối ngân sách được ưu tiên và dành sự quan tâm cho các cấp ngân sách huyện khó khăn, vùng sâu vùng xa nên đảm bảo các nguồn lực cho phát triển địa phương; Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện NSNN những năm qua luôn được quan tâm, chú trọng, kiện toàn, trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác được nâng cao.
2.3.2. Hạn chế
Thứ nhất, chất lượng dự toán thấp, dự toán NS chưa gắn với yêu cầu cung cấp tài chính thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH trung hạn.
Thứ hai, việc phân bổ dự toán NSNN còn hạn chế như: Giao dự toán chưa đảm bảo thời gian theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; quá trình phân bổ dự toán chưa lường hết các nhiệm vụ chi trong năm nên phải để dành một phần kinh phí chưa phân bổ chi tiết trong mỗi lĩnh vực chi; kế hoạch vốn đầu tư còn bố trí dàn trải, phân tán vượt quá thời hạn tối đa theo quy định của Chính phủ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, tăng chi phí đầu tư, chậm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, hiệu quả KT - XH của vốn đầu tư thấp.
Thứ ba, việc chấp hành chi NSNN còn hạn chế như: Việc quản lý, sử dụng NSNN còn để xảy ra lãng phí, sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu để bổ sung CTX sai quy định, chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định; một số đơn vị thiếu chủ động trong điều hành chi theo dự toán được giao và khả năng nguồn thu cho phép, chi không có nguồn đảm bảo dẫn đến tình trạng nợ NS có xu hướng gia tăng; việc phân định rõ nguồn chi đầu tư với nguồn CTX của một số Sở, ban ngành chưa rõ ràng dẫn đến thời gian cấp vốn còn kéo dài.
Thứ tư, việc quyết toán chi NSNN ngân sách còn hạn chế như: Cơ quan tài chính thẩm định quyết toán đối với đơn vị dự toán còn tương đối chậm, dẫn đến tình trạng phải lập báo cáo quyết toán nộp về Bộ Tài chính theo thời gian quy định của Luật NSNN (01/10 năm sau) trước khi thẩm định xong quyết toán toàn bộ các đơn vị dự toán cấp I; vẫn còn có tình trạng chưa tiến hành thẩm định quyết toán trước khi lập báo cáo quyết toán nên vẫn quyết toán cả những khoản chưa thực chi đặc biệt là đối với các khoản chi được cấp phát bằng lệnh chi tiền; một số báo cáo quyết toán có chất lượng thấp, phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm mới lập hồ sơ quyết toán hoặc chưa thực hiện quyết toán vốn đầu tư theo quy định. Số tạm ứng vốn ĐTXDCB còn cao, đồng thời với việc quyết toán chi còn có tỷ trọng thấp (chỉ từ 74 - 76% hàng năm), số tạm ứng dồn từ năm này sang năm khác có nguy cơ tăng cao.
Thứ năm, tỉnh Điện Biên chưa tích cực triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, xã hội hóa dịch vụ công chậm.
Thứ sáu, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chi NSNN còn hạn chế. Quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chi NSNN chỉ mới đề cập ở mức độ chung chung, chưa cụ thể, còn trùng lặp và chồng chéo.
3. Giải pháp hoàn thiện quản lý chi NSNN tỉnh Điện Biên
3.1. Hoàn thiện lập dự toán chi NSNN tỉnh Điện Biên
Rà soát, bổ sung các căn cứ làm cơ sở cho lập dự toán chi NSNN; để lập dự toán chi ngân sách đảm bảo sát với nhiệm vụ được giao; phương pháp phân tích, đánh giá kết quả thực hiện dự toán chi ngân sách của năm trước và những năm liền kề để loại trừ những nhân tố khách quan trong quá trình lập dự toán chi ngân sách cho năm tiếp theo.
* Đối với lập và giao dự toán vốn đầu tư: Cần lập kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch hàng năm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước trung hạn 3 năm; cần tập trung vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2020 trở về trước (các dự án dự kiến hoàn thành năm 2016, 2017 và 2018) thuộc nhiệm vụ đầu tư từ NSNN nhưng chưa được bố trí đủ vốn và ưu tiên cho các dự án trọng điểm hoàn thành sau năm 2020. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần quan tâm, sâu sát việc cân đối, bố trí vốn ưu tiên cho việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản các công trình đã hoàn thành, có quyết toán được duyệt nhưng còn thiếu vốn thuộc trách nhiệm thanh toán từ ngân sách tỉnh.
* Đối với lập và giao dự toán chi thường xuyên:
Thứ nhất, phân bổ kinh phí tự chủ ổn định trong thời gian dài, giảm dần kinh phí không tự chủ, đặc biệt là hạn chế việc phê duyệt các đề tài, đề án không mang tính cấp bách và không có hiệu quả trong thực tiễn, tập trung dành nguồn để bố trí đối ứng cho các dự án được Trung ương đảm bảo một phần nguồn vốn.
Thứ hai, đối với một số sự nghiệp như giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, không nên giao cụ thể tổng chi cho các địa phương mà thực hiện theo phương pháp quy định mức tỷ lệ thấp nhất mà địa phương phải đảm bảo, chẳng hạn như đối với sự nghiệp giáo dục phải giao dự toán hàng năm chiếm tỷ trọng ít nhất 20% tổng chi cân đối ngân sách và không thấp hơn dự toán năm trước.
3.2. Hoàn thiện chấp hành dự toán chi NSNN tỉnh Điện Biên
Đối với chi đầu tư XDCB: Cần tăng cường công tác kiểm soát vốn qua Kho bạc Nhà nước, tuyệt đối không thực hiện chi đầu tư XDCB bằng lệnh chi tiền; tăng cường việc tổ chức thực hiện chế độ giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Đề nghị HĐND các cấp tăng cường giám sát, chỉ đạo đối với công tác xây dựng cơ bản ở các địa phương, giúp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; không gây phiền hà, sách nhiễu đối với tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện giải ngân vốn XDCB tại cơ quan Kho bạc Nhà nước.
Đối với chi thường xuyên: Sở Tài chính rà soát, phân tích xác định định mức chi hợp lý, mỗi khoản chi thường xuyên lệ thuộc, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh xác định cụ thể những định mức chi không còn phù hợp, đặc biệt là đối với những năm cuối giai đoạn, loại bỏ những hạng mục chi không cần thiết để thiết lập hệ thống định mức mới.
3.3. Hoàn thiện quyết toán chi NSNN tỉnh Điện Biên
Thứ nhất, cơ quan tài chính thực hiện đôn đốc các đơn vị nộp báo cáo quyết toán sớm, đôn đốc những đơn vị đang trong kỳ chỉnh lý ngân sách không thực hiện điều chỉnh, thực hiện nộp báo cáo quyết toán sớm. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính bố trí thời gian thẩm định quyết toán trước, không chờ tất cả các đơn vị nộp đủ quyết toán mới lập kế hoạch thẩm định.
Thứ hai, hạn chế việc cấp phát kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách bằng lệnh chi tiền như kinh phí an toàn giao thông, kinh phí Đảng, hỗ trợ cho các tổ chức chính trị - xã hội để tránh tình trạng ngân sách đã quyết toán trong khi vẫn còn kinh phí dư tại tài khoản tiền gửi của đơn vị (tức là quyết toán cả phần kinh phí chưa chi).
Thứ ba, có biện pháp chế tài như: Không cho các đơn vị rút các khoản chi khác (ngoài lương) hoặc không cho ngân sách cấp dưới rút trợ cấp cân đối ngân sách khi các đơn vị, địa phương chưa nộp báo cáo quyết toán ngân sách đúng thời gian.
Thứ tư, Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh tăng cường thẩm tra quyết toán, yêu cầu UBND các cấp giải trình cụ thể những nhiệm vụ chi chưa phù hợp, những nhiệm vụ chi đột biến của năm, nhằm giúp cho các cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng thanh toán, quyết toán chi NSNN.
3.4. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện NSNN tỉnh Điện Biên
1) Tăng cường số đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý NSNN của tỉnh Điện Biên đến các cơ quan, đơn vị có sử dụng NSNN.
2) Làm tốt công tác khiếu nại, tố cáo các hành vi sử dụng sai mục đích NSNN tại các cơ sở; tăng cường sự phối - kết hợp giữa bộ phận thanh tra, cơ quan Tài chính, KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách để giải quyết triệt để các vụ khiếu kiện, tố cáo, tránh để tình trạng tồn đọng kéo dài.
3) Làm trong sạch đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chi NSNN, kiên quyết loại trừ những cán bộ không có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, cán bộ kém về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ Xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm động viên, tạo động lực cho những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực trình độ phát huy khả năng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
3.5. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý chi NSNN
Một là, cần lựa chọn ra những đại biểu HĐND có đủ năng lực, kiến thức về quản lý chi NSNN để nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý chi. Thường xuyên liên tục bồi dưỡng kiến thức về quản lý chi ngân sách cho các đại biểu HĐND nhằm đáp ứng các nhu cầu đặt ra.
Hai là, Sở Tài chính cần tham mưu cho tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, sử dụng NSNN. Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại trình độ đội ngũ kế toán tại các đơn vị để có phương án bồi dưỡng, đào tạo phù hợp. Ngoài ra, tỉnh cần hạn chế việc điều động, luân chuyển những cán bộ làm công tác quản lý chi NSNN và đội ngũ kế toán tại các đơn vị có sử dụng NSNN sau khi đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm việc.
- Bộ Tài chính (2017), Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước, NXB Tài chính, Hà Nội
- Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, Niên giám thống kê năm 2016, 2017, 2018. Điện Biên.
- Quốc hội, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, 2015, Hà Nội.
- UBND tỉnh Điện Biên. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu chi năm 2016, 2017, 2018. Điện Biên.
- UBND tỉnh Điện Biên (2017), Báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Điện Biên.